Hẹn gặp đạo diễn Trần Hữu Tấn trong những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, anh tiết lộ có lẽ năm nay mình không có Tết bởi ngày 11/2 sắp tới phim Chuyện Ma Gần Nhà sẽ ra rạp. Anh đang tất bật chuẩn bị để sự kiện ra mắt phim được suôn sẻ.
‘Chuyện Ma Gần Nhà là dự án phim thứ 3 của mình, cũng là nền móng đầu tiên của vũ trụ điện ảnh phim kinh dị Việt, nên Tết năm nay mình sẽ ở studio và phòng hậu kỳ để chuẩn bị các chất liệu phim giới thiệu tiếp đến các khán giả’, nam đạo diễn mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn (phải) trên set quay.
Rừng Thế Mạng là minh chứng phim Việt luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu điện ảnh
Nhìn lại năm 2021, anh nghĩ nền điện ảnh nước nhà mang ‘màu sắc’ gì?
Mình nghĩ rằng trong năm 2021 nền điện ảnh mang 2 màu gồm màu vàng và màu xám. Màu vàng là ở nửa đầu năm 2021, còn màu xám là khoảng nửa cuối năm. Lý do mình chọn 2 màu này đơn giản vì đầu năm ngoái nền điện ảnh Việt đã chứng kiến nhiều tác phẩm đã ra rạp và vô cùng thành công như Bố Già – đạt doanh thu trên 400 tỷ. Đây được xem là ‘sự kiện chấn động’, cũng là một dấu hiệu rất tích cực cho giới làm phim.
Tuy nhiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước ta thì mọi thứ đã chìm xuống, và dường như không có bộ phim điện ảnh nào ra rạp được, dẫn đến một màu sắc ‘vô cùng xám xịt’.
Vậy riêng với cá nhân anh, năm 2021 là màu gì?
Mình nghĩ màu sắc của mình trong năm 2021 là màu xanh lá cây – màu của sự hi vọng. Bởi vì dự án Rừng Thế Mạng vốn được sản xuất từ năm 2020, có thời gian bị hoãn lịch khoảng 3 lần nhưng cuối cùng cũng có thể ra rạp ở cuối tháng 12 năm 2021. Trong khoảng thời gian đại dịch ảnh hưởng đến việc chiếu phim, mình cũng đã tranh thủ để hoàn thành một tác phẩm khác là Chuyện Ma Gần Nhà sẽ ra rạp vào ngày 11/2 tới. Những dự án mà mình đang tràn đầy niềm hy vọng cho năm mới, nhất là khi Rừng Thế Mạng đã ra rạp và được đánh giá rất khả quan từ giới chuyên môn lẫn khán giả.
Là phim Việt đầu tiên ra rạp sau 8 tháng thị trường điện ảnh nội địa hoàn toàn ‘ngủ đông’ anh có xem đây là một bước đi mạo hiểm, Đâu là lý do thôi thúc anh một cách mạnh mẽ để đưa Rừng Thế Mạng trở lại rạp sớm?
Rừng Thế Mạng vốn có chủ đề về sinh tồn, bản thân thời điểm phát hành của phim cũng sinh tồn không hề kém. Dẫu vậy mình nghĩ rằng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, mọi phán đoán và trật tự của thị trường điện ảnh đã đảo lộn.
Nếu như Rừng Thế Mạng không ra mắt vào cuối tháng 12/2021, thì cũng không ai chắc chắn rằng thời điểm nào là tốt để phát hành phim. Nhiều nhà phát hành đã thay đổi lịch chiếu phim nhiều lần, các phim bom tấn nước ngoài cũng vô cùng lận đận. Thôi thì mình tin rằng mỗi bộ phim có một số phận, ekip đã cân nhắc và chọn quay trở lại. Mặc dù có một mức doanh thu không như kỳ vọng, nhưng nó đủ để chứng minh phim Việt luôn được khán giả ủng hộ và có một chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu điện ảnh.
Ekip Rừng thế mạng trong buổi họp báo ra mắt báo chí và khán giả.
Trước thời điểm Rừng Thế Mạng ra rạp, khó khăn nào khiến anh nản lòng nhất?
Anh nghĩ hành trình khó khăn nhất có lẽ cũng chính là việc chốt ngày công chiếu cuối cùng cho phim sau nhiều lần trì hoãn. Rừng Thế Mạng đã dời lịch chiếu 3 lần, lúc này phim không chỉ chịu được sức ép từ nhà đầu tư các đối tác mà còn phát sinh rất nhiều chi phí. Bởi vì mỗi lần dời lịch chiếu, toàn bộ chất liệu về marketing, in ấn và truyền thông đều phát sinh và ‘đội lên’ nhiều lần.
Chưa kể, khi rạp phim đóng cửa quá lâu, ekip rất lo lắng về thói quen xem phim của các khán giả. Sau giãn cách, ai ai cũng quen với việc xem phim giải trí trên các nền tảng trực tuyến và mọi người cũng rất sợ đến nơi đông người cho nên người làm điện ảnh nói chung rất băn khoăn câu hỏi: ‘Khi phim ra rạp liệu khán giả có sẵn sàng đi xem?’.
Biết là anh đã xem phim rất nhiều lần, nhưng khi phim chính thức đón chào những khán giả đầu tiên, cảm xúc của anh ra sao? Đây có phải là lần ra mắt phim đặc biệt nhất từ trước đến nay của anh?
Nhớ lại khoảnh khắc phim vừa ra mắt báo giới và các khán giả ở suất chiếu đầu tiên, ekip sản xuất và các diễn viên đã bật khóc vì quá xúc động. Sau gần 2 năm chờ đợi cuối cùng phim cũng đã được giới thiệu đến với mọi người. Lúc đó, mình vẫn không tin rằng phim vẫn giữ được lịch chiếu và có được màn ra mắt suôn sẻ. Hai từ xứng đáng được gọi cho công sức chờ đợi của rất nhiều người. Sau khi ra mắt phim, bản thân anh nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn.
Nếu gọi hành trình của Rừng Thế Mạng là một chuyến đi phượt, anh đánh giá chuyến đi này được bao nhiêu điểm?
Mình nghĩ rằng Rừng Thế Mạng có thể hoàn thành được 7 trên thang điểm 10. Bởi vì chuyến đi này đã vượt qua rất nhiều chông gia từ tình hình dịch bệnh đến những yếu tố khách quan không mong muốn đã xảy ra. Chuyến đi này không có được điểm 10 tròn trĩnh bởi thời điểm phát hành phim, rạp phim cả nước chỉ mới mở cửa 60%. Chuyến đi đã về địch nhưng chưa trọn vẹn là vì vậy. Tuy nhiên thang điểm 7 vẫn vô cùng tích cực.
Chuyện Ma Gần Nhà sẽ là bộ phim khẳng định Trần Hữu Tấn là ai
3 bộ phim từ trước đến nay anh làm đạo diễn đều thuộc dòng phim kinh dị, cơ duyên nào khiến anh gắn bó với mảng màu này?
Mình vốn thích thể loại kinh dị từ nhỏ rồi. Hồi bé hay tụi tập các bạn hàng xóm đến để kể chuyện ma. Lớn lên mình cũng duy trì thói quen đó với bạn bè trong lớp họp. Sau này đi làm thì mình cũng hay làm chủ xị những board game về ma. Dường như thói quan này đã gắn bó tự lúc nào cũng không hay.
Thêm vào đó mình cũng rất thích tìm hiểu, khám phá về những gì liên quan đến tâm linh và những gì liên quan đến thế giới vô hình mà bằng mắt thường con người không thể thấy được, đặc biệt với những truyền thuyết về đô thị. Mãi đến năm 2017, mình mới có cơ hội làm phim đầu tiên là Bắc Kim Thang thì từ đó mới chính thức biến các sở thích thành một con đường riêng.
Mình biết là dòng phim kinh dị Việt rất kén khán giả, thế nhưng vẫn còn một lượng khán giả ủng hộ và thích thú. Con đường mình đi cũng dựa trên những chất liệu văn hoá dân gian, nên các khán giả cũng thấy rất gần gũi và dễ dàng thích thú hơn.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn trên set quay Chuyện Ma Gần Nhà.
Việc đưa chất liệu văn hoá dân gian có gây cho anh khó khăn khi phải tổng hòa giữa yếu tố nghệ thuật và tính chân thật của những giai thoại vốn đã hằn sâu trong suy nghĩ của khán giả ở đời thực?
Tìm hiểu về văn hoá dân gian để đưa vào phim kinh dị theo mình nó vừa khó lại vừa dễ. Dễ ở chỗ, dẫu các vùng miền sẽ có những nét khác biệt, tuy nhiên các bài đồng dao, trò chơi dân gian ai ai cũng quen thuộc dễ nhớ. Phần khó nhất ở đây chính là khi đưa lên màn ảnh khán giả của mỗi vùng miền sẽ có khẩu vị riêng. Đó cũng là lý do các phim có thể đại thắng ở miền Nam nhưng không được lòng khán giả miền Bắc hay Trung và ngược lại chưa chắc phim nổi ở miền Bắc lại được đón nhận ở miền Nam hay miền Trung.
Đây là điểm mình đang trau dồi mỗi ngày để có thể dung hoà cân bằng được các yếu tố, làm sao để các khán giả ở tất cả vùng miền đều đón nhận. Và Chuyện Ma Gần Nhà chính là một phép thử của việc này.
Anh từng trả lời trong một bài phỏng vấn là ‘Bắc Kim Thang là bộ phim để anh giới thiệu mình, còn Rừng Thế Mạng lại có nhiều cái mới mẻ sau một thời gian ấp ủ’, vậy Chuyện Ma Gần Nhà lần này là gì?
Chuyện Ma Gần Nhà sẽ là bộ phim khẳng định Trần Hữu Tấn là ai. Khi ra mắt Bắc Kim Thang các khán giả sẽ biết đến mình là đạo diễn lựa chọn dòng phim khó nhằn. Rừng Thế Mạng là bộ phim rõ nét hơn về kĩ thuật, cách kể chuyện của anh. Và Chuyện Ma Gần Nhà chắc chắn sẽ khẳng định tên tuổi của Trần Hữu Tấn ở thị trường phim điện ảnh nói chung và phim kinh dị nói riêng.
Ví dụ như khi khán giả nhắc đến anh Victor Vũ, anh Charlie Nguyễn thì các khán giả có thể hình dung ra được màu sắc các anh theo đuổi. Thì chỉ cần khán giả xem xong Chuyện Ma Gần Nhà, khi nhắc đến cái tên Trần Hữu Tấn các khán giả sẽ hình dung ra được màu sắc phim của anh như thế nào. Chuyện Ma Gần Nhà là viên gạch rất tự tin mà mình muốn giới thiệu bản thân mình đến mọi người.
Trailer Chuyện ma gần nhà
Lựa chọn một con đường không có người dẫn đường, vậy quá trình tìm tòi thu thập chất liệu có khó khăn quá không?
Khó thì không phải là khó nhưng nó có nhiều thử thách bởi mỗi vùng miền có những đặc trưng riêng. Ví dụ như Chuyện Ma Gần Nhà sẽ có 3 phần nhỏ mà một trong số đó có cô gái trên xe nước mía. Đây là hình ảnh quá quen thuộc với người dân miền Nam nhưng riêng người dân miền Trung hay miền Bắc thì có phần hơi lạ lẫm. Còn câu chuyện nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt thì ngược lại, đa số khán giả miền Bắc và miền Trung sẽ quen thuộc còn miền Nam thì ngành nghề này không quá rõ nét.
Chính vì có nhiều yếu tố đan xen nhau trong Chuyện Ma Gần Nhà đã khiến mình đau đầu nhiều đêm, để làm sao đúng nhất với thực tế cuộc sống và phải làm cho ra được để khán giả nhìn vào đoán được luôn. Nếu mình làm khác đi hoặc nghiêm trọng hơn là sai về hình tượng vốn quá quen thuộc với khán giả, thì đây thực sự là một lỗi rất lớn. Mình đang ngày càng cố gắng hoàn thiện trong cách kể chuyện, chỉn chu từng chút một trong các yếu tố đưa vào phim để khi khán giả nhìn vào họ sẽ thấy được một ekip đã đầu tư rất nhiều công sức.
Anh vừa nói ở trên rằng Chuyện Ma Gần Nhà có 3 phần khác nhau, vậy anh đã làm gì để liên kết 3 phần phim tưởng chừng như chẳng liên quan này lại với nhau?
Chuyện Ma Gần Nhà có một điểm rất hay là trong phim sẽ có 3 phần phim rất nhỏ, tuy nhiên các khán giả sẽ không cảm nhận thấy đây là các phần phim độc lập mà nó rất liên kết và có một đường dây xuyên suốt. Chi tiết cụ thể mong các khán giả ra rạp để hiểu rõ hơn (cười).
Việc phim nói về Văn hóa và tín ngưỡng, phong tục tập quán sẽ có phần kiểm duyệt rất khắt khe, ekip có gặp khó khăn gì trong vấn đề này không?
Trước khi bắt tay thực hiện dòng phim kinh dị Việt, mình đã nghiên cứu rất kĩ về luật điện ảnh. So với các thể loại khác, thể loại phim kinh dị có nhiều chế tài nhiều hơn. Bọn mình đã tự kiểm duyệt kịch bản trong nội bộ ekip trước, nếu như những cảnh nào nhạy cảm về hình ảnh hay yếu tố liên quan đến tâm linh thì sẽ phải tự cân nhắc. Đôi khi vì chính sự am tường và chuẩn bị rất kỹ đó mà đến Chuyện Ma Gần Nhà bọn mình chưa bao giờ gặp khó khăn gì trong khâu kiểm duyệt cả. Dù hành trình đó rất suôn sẻ nhưng chắc chắn không thiếu đi các yếu tố cần có của một phim kinh dị.
Poster Chuyện Ma Gần Nhà.
Luôn ưu tiên cho các diễn viên có thực lực thay vì ‘chàng thơ’ hay ‘nàng thơ’
Chuyện Ma Gần Nhà được giới thiệu sẽ là phim tổng hòa giữa 4 thế hệ diễn viên, khá tò mò không biết họ đã phối hợp nhịp nhàng đến thế nào?
Khi mọi người xem phim chắc chắn mọi người sẽ thấy được sự khác biệt trong hoá thân của các diễn viên bởi phim quy tụ đến 4 thế hệ. Dù có sự khác nhau về kinh nghiệm nhưng mình tin diễn xuất của các diễn viên không có quá nhiều sự khác biệt. Đây là các diễn viên rất thực lực, họ đã hoàn thành rất tròn vai.
Điển hình như ở một phân cảnh mình xin phép được tiết lộ, sự đối trọng rất lớn của nghệ sĩ Mạc Can – đại diện thế hệ diễn viên thứ nhất và Huỳnh Thanh Trực – thế hệ diễn viên thứ 4. Khi mọi người xem sẽ thấy không có quá nhiều sự chênh lệch trong diễn xuất mà ở đó sẽ đậm chất Mạc Can và sự tươi mới của Huỳnh Thanh Trực.
Khi chọn 4 thế hệ diễn viên, ekip đặt ưu tiên hàng đầu là phải có thực lực. Chính điều này đã dễ dàng móc nối giữa họ.
Huỳnh Thanh Trực cũng sẽ trở lại trong dự án này, tại sao anh quyết gắn bó với nam diễn viên thay vì tìm một gương mặt mới?
Khác với các ekip khác, khi tụi mình lên kịch bản thì đã chọn luôn ngay các diễn viên. Có nghĩa rằng các nhân vật chính xác được ‘đo ni đóng giày’ cho diễn viên đã nhắm tới để tụi mình lấy luôn thần thái, ngoại hình và tích cách phát triển nhân vật.
Sau Rừng Thế Mạng, Huỳnh Thanh Trực rõ ràng đã chứng minh được rằng mình là diễn viên có thực lực, là thế hệ kế thừa của các diễn viên đàn anh đàn chị của điện ảnh Việt. Chuyện Ma Gần Nhà chắc chắn sẽ một lần nữa củng cố thực lực của Huỳnh Thanh Trực, nếu không phải là nam diễn viên này thực sự ekip cũng không biết ai sẽ hoàn thành vai diễn này một cách xuất sắc và có thể đối trọng với nghệ sĩ Mạc Can. Như mình nói ở trên, 4 thế hệ diễn viên trong phim phải có thực lực thì mới có thể làm được chuyện đó.
Liệu có nói quá không khi Thanh Trực là ‘chàng thơ’ của anh?
Mình không có khái niệm ‘chàng thơ’, chỉ đơn giản nếu các diễn viên hợp vai thì sẽ mời quay trở lại. Lần này cũng không chỉ Trực sẽ trở lại mà còn có cả Trần Phong và sự xuất hiện trở lại của Trịnh Tài – diễn viên chính của Bắc Kim Thang. Họ là người mà mình đang tìm kiếm, mình tin họ sẽ thể hiện được một màu sắc mới trong một hình tượng mới. Một lần nữa mình nhấn mạnh rằng luôn ưu tiên cho các diễn viên có thực lực thay vì khái niệm chàng thơ hay nàng thơ.
Huỳnh Thanh Trực và Trần Phong trở lại sau Chuyện Ma Gần NHà.
Phim 300 tỷ chưa chắc hay, phim doanh thu thấp chưa chắc đã dở
Sự quay trở lại của các diễn viên chắc chắn sẽ khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện ‘vũ trụ điện ảnh’. Nước ngoài câu chuyện này đã quá quen thuộc nhưng Việt Nam thì còn khá mới mẻ, anh có hình dung về mảng miếng này như thế nào trong tương lai?
Mình nghĩ đã đến lúc những bộ phim Việt cần có một thương hiệu riêng để phát triển trên con đường dài. Ở Việt Nam một vài năm trở lại đây đã có nhiều nhà sản xuất tính đến câu chuyện này điển hình như mới đây bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân – Nam Cito giới thiệu dự án Tứ đại mỹ nhân.
Với Chuyện Ma Gần Nhà, mình mong muốn phim sẽ là viên gạch đầu tiên của vũ trụ điện ảnh phim kinh dị đầu tiên tại Việt Nam. Mình nói như vậy bởi trong phim sẽ xuất hiện nhiều nhân vật và nhiều con ma khác nhau có sự xuất hiện đầy ấn tượng. Đặc biệt, những con ma này cũng là nhân vật chính cho các chương tiếp theo, điển hình là dự án Con Cám – có thể tạm gọi là phần nối tiếp của Chuyện Ma Gần Nhà. Ma cũ sẽ cùng xuất hiện, để cùng lý giải rõ nguồn gốc sâu xa.
Tụi mình muốn làm điều này vì xác định đây là con đường dài lâu và muốn xây dựng thương hiệu Chuyện Ma Gần Nhà có tiếng tăm để khi nhắc đến phim kinh dị Việt nhắc đến tên tuổi của chúng mình.
Có ý kiến cho rằng: ‘Phim Việt hãy đầu tư vào kịch bản, kịch bản, kịch bản sau đó hãy nghĩ đến diễn xuất hay hiệu ứng. Đừng có lừa khán giả bằng những cái tên mỹ miều, cameo xuất hiện, cho đến đánh vào niềm thương xót phim nội nữa. Khán giả hết kiên nhẫn rồi’ Với bình luận này, anh nghĩ sao về quan điểm phim kinh dị chỉ cần một kịch bản hay, chứ không cần diễn viên quá hot?
Mình nghĩ đây là một bình luận hoàn toàn chính xác. Mình từng nhiều lần khẳng định với các anh chị trong nghề về việc sao không chọn các diễn viên hot hay các bảo chứng phòng vé để dễ bán vé. Theo mình thể loại kinh dị là thể loại rất đặc thù, các khán giả xem phim vốn đã rất chọn lọc chính vì vậy các khán giả cần sức nặng trong kịch bản đến kéo họ ra rạp. Mình đồng ý với bình luận này ở thêm một điểm nữa rằng không chỉ là phim kinh dị, mà với mình tất cả các bộ phim cần lấy kịch bản là yếu tố sống còn của bộ phim.
Với Chuyện Ma Gần Nhà, phần kịch bản đã được đầu tư rất sâu và rất tốt để trước mắt khán giả có thể tận hưởng một bộ phim kinh dị đậm đà.
Có ý kiến khác cho hay phim kinh dị Việt thường dùng combo ‘chuyển cảnh + âm thanh rùng rợn’ làm hết hồn người xem, lặp đi lặp lại khoảng 50 lần. Anh nghĩ đâu để làm một bộ phim kinh dị thành công phải gồm những yếu tố nào?
Theo mình có 2 cách để tạo sự sợ hãi cho khán giả. Đầu tiên là làm cho các khán giả sợ thật sự bằng âm thanh hay cảnh giật mình mà trong giới điện ảnh gọi là jump scare. Và có một thủ pháp khác đó là khiến người ta ám ảnh. Mình nghĩ để làm cho khán giả sợ thì rất dễ, nhưng mà để làm cho họ ám ảnh thì rất khó. Chuyện Ma Gần Nhà sử dụng sự ám ảnh để cho khán giả nhớ đến thay vì những thủ pháp âm thanh hay hình ảnh thông thường.
Bản thân anh định nghĩ như thế nào về sự thành công của bộ phim kinh dị: Thành công về doanh thu, sự thoả mãn của ekip hay sự đánh giá của giới chuyên môn?
Mình nghĩ một bộ phim thành công phải được sự công nhận của khán giả, bởi phim làm ra là để họ xem. Khán giả là các giám khảo khắt khe nhất, đánh giá chính xác nhất về sự thành công hay thất bại của một bộ phim. Khi khán giả thích phim, chia sẻ nhiều về phim thì đó chính là sự thành công.
Còn về doanh thu còn phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hành và những điều kiện thuận lợi khác nữa. Một bộ phim 200, 300 tỷ chưa chắc phim đó hay, ngược lại phim doanh thu thấp chưa chắc sẽ dở.
Phim ảnh phải phản ánh những gì của đời sống
Nếu không làm phim kinh dị anh sẽ làm gì?
Nếu mà không làm phim kinh dị có lẽ mình sẽ… mở một quán cà phê để bán. Phim kinh dị là niềm đam mê duy nhất của mình. Trong công việc, mình khá cực đoan nên nếu không được làm thể loại này có lẽ phải chuyển sang một hướng khác để tận hưởng cuộc sống. Nếu không làm phim kinh dị thì Trần Hữu Tấn sẽ không lấn sân sang thể loại khác.
Anh vừa nhắc đến cụm từ ‘cực đoan’, ở trong công việc nó sẽ ra sao?
Cực đoan đó là cách mình làm phim với sự kỷ luật và khắt khe rất quyết liệt. Những điều mình đặt ra chắc chắn phải làm được dù có chuyện gì xảy ra. Có những thứ nếu không cần thiết hay không giúp ích trong việc phát triển phim thì mình sẽ kiên quyết từ chối dù ai có thuyết phục đi chăng nữa.
Ngoài ra có những cách làm việc giữa mình và ekip hay diễn viên không thoải mái lắm như những gì các khán giả nghĩ. Mọi người thường chia sẻ đi làm phim rất là vui nhưng mình nghĩ phim ảnh cũng giống như một gia đình nhỏ – ở đó cần có sự kỷ luật để mọi bộ phận được gắn kết và cực kỳ nghiêm túc làm việc, khi đó bộ phim sẽ thành công.
Liệu sự ‘khắt khe’ này có phải đến từ hành trình gian khó của anh khi bắt chân vào điện ảnh: Từ một bartender nay trở thành một đạo diễn có tiếng?
Mình nghĩ mình rất may mắn khi không có quá nhiều ‘background’ hay hậu thuẫn, các yếu tố khác để trở thành một đạo diễn phim điện ảnh từ sớm. Như mọi người cũng đã biết để trở thành một đạo diễn phim điện ảnh phải trải qua trường lớp rất là nhiều, sau khi ra trường cũng rất vất vả mới có thể hoàn thành bộ phim đầu tay.
Mình may mắn khi quãng thời gian trước đây đi làm các công việc khác như shipper, phục vụ hay bartender. Mỗi khi nhìn lại quá khứ, mình đều trân quý những công việc này bởi nó cho mình những chất liệu sống hay vốn sống – đây là những thứ rất khó để học từ trường lớp, mà chỉ đến từ những lần trải nghiệm thực tế.
Đến bây giờ mình vẫn duy trì các thói quen ngày xưa, tiếp xúc với nhiều người ở những giai tầng hơn vì một đạo diễn cần biết nhiều hơn về cuộc sống. Những chất liệu đời thường nhất sẽ giúp cho mình có được vốn sống, đưa vào kịch bản mới chân thật bởi phim ảnh là phải phản ánh những gì của đời sống.
Nhiều người xem xong Rừng Thế Mạng xong liền nhận xét phim của mình không theo công thức, hoàn toàn đúng bởi vì cách mình kể chuyện chính là cách mình quan sát và kể nên câu chuyện. Với những gì mình đã trải qua cộng hưởng với cách nhìn điện ảnh có phần khác biệt của mình đã tạo nên một Rừng Thế Mạng hay Chuyện Ma Gần Nhà có một diễn biến khó đoán, thú vị hơn so với các bộ phim kinh dị khác.
Cám ơn anh về những chia sẻ!
>> Xem thêm: Cảnh lột mặt đẫm máu khiến Khả Như rùng mình khi đóng máy Chuyện Ma Gần Nhà
>> Xem thêm: Vân Trang lấm lem, lăn lê đóng phim kinh dị ‘Chuyện ma gần nhà’ khi mang thai